4 CÁCH PHÁT HIỆN ỨNG VIÊN CÓ ĐANG NÓI THẬT HAY KHÔNG
- Reeracoen
- Apr 13, 2018
- 4 min read
Updated: Apr 17, 2018
Ngay cả khi mục đích của quy trình phỏng vấn là để đánh giá ứng viên và tìm hiểu xem họ thực sự có thể làm gì cho công ty thì ứng viên vẫn có nhiều cách để nói dối hoặc phóng đại để qua vòng phỏng vấn. Câu hỏi đặt ra ở đây là làm cách nào bạn có thể phát hiện được ứng viên có đang nói thật hay không mà không cần dùng đến các kỹ thuật thẩm tra.

Nếu bạn muốn tìm được đúng người, bạn cần chú ý đến câu trả lời và cách đưa ra trả lời của các ứng viên. Dưới đây là 4 cách giúp bạn xác định rằng ứng viên đang nói thật.
1. Dành nhiều thời gian hơn để đọc CV
Chúng ta đều biết rằng phòng tuyển dụng luôn bận rộn vì họ phải xem qua hàng trăm hồ sơ ứng tuyển cho chỉ một vị trí. Và khảo sát Tháng 8 năm 2015 của Careerbuilder cho thấy trong hơn 2,500 nhân viên nhân sự và trưởng phòng tuyển dụng thì 7/10 người dành ít hơn 5 phút để đọc 1 bản CV.
Với độ dài của một bản CV thông thường, chúng ta không mất nhiều hơn 5 phút để đọc hết các trang. Tuy nhiên, bạn nên dành nhiều thời gian và chú ý hơn để hiểu được thực chất và nắm bắt toàn bộ thông tin.
Có rất nhiều CV dùng các từ ngữ chuyên ngành một cách mơ hồ để tạo độ tin cậy, tuy nhiên chỉ biết thuật ngữ thôi là chưa đủ, bạn cần xem xét kỹ xem cách dùng các thuật ngữ này xem nó có thực sự rõ nghĩa không.
Nếu ứng viên nói rằng “liên lạc với các khách hàng tiềm năng để thúc đẩy mối quan hệ mới” thì câu này thực sự không có nhiều ý nghĩa. Nhưng nếu ứng viên đó nói “phát triển việc quảng cáo bán hàng và có được 100 khách hàng mới” thì câu này đã bao gồm cả bằng chứng chân thực.
Hãy kiểm tra các thông tin được ghi trong CV bằng cách chú trọng các câu hỏi trong buổi phỏng vấn về kinh nghiệm và kỹ năng. Hỏi họ về câu chuyện làm cách nào để phát triển những kỹ năng đó, qua đó bạn sẽ hiểu hơn về hiệu quả làm việc của ứng viên.
2. Theo dõi mạng xã hội
35% trong 2,175 các nhà tuyển dụng trong khảo sát 2015 Careerbuilder nói rằng họ có gửi lời mời kết bạn hoặc theo dõi ứng viên. Nếu đã có minh chứng rằng, các ứng viên có thể nói sai sự thật trên mạng xã hội, thì tại sao đây lại là cách tốt để kiểm tra một nhân viên tiềm năng?
Điều tuyệt vời của mạng xã hội đó là chúng cho phép bạn tìm hiểu sâu hơn. Bạn có thể tiếp cận những người trong mạng lưới nghề nghiệp của ứng viên để nhờ họ xác nhận thông tin hoặc đưa ra các nhận xét về cách ứng xử trong công việc.
Đồng thời, hãy xem về kiểu bài đăng của ứng viên, không phải để tìm bới các hành vi không phù hợp mà xem họ có thực sự gắn bó với lĩnh vực đó không. Nếu ứng viên nói rằng mình có 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực Marketing nhưng lại không theo dõi ai trong ngành và không chia sẻ các thông tin liên quan trên FB thì có khả năng là người đó đang không nói thật.
3. Hỏi những câu hỏi chi tiết.
Trong các buổi phỏng vấn, nhà tuyển dụng thường hỏi các câu hỏi mở để có được nhiều hơn một câu trả lời “có” hay “không”. Bạn có thể mở đầu bằng câu “Hãy giới thiệu về bản thân” nhưng hãy hỏi thêm các chi tiết cụ thể. Hỏi về các câu chuyện hay ví dụ về trải nghiệm của các ứng viên để nâng cao các kỹ năng và lắng nghe các câu trả lời cụ thể. Ứng viên càng đưa ra câu trả lời chi tiết thì càng ít có khả năng họ phong đại nó. Đồng thời, hãy để ý liệu rằng ứng viên có đang tường thuật lại từng chữ như bản CV, nếu như câu trả lời có vẻ đã được học thuộc thì bạn nên cảnh giác.
4. Hỏi xem họ có đang nói thật không?
Phần lớn những lúc ứng viên không thành thật là lúc họ phóng đại một chút về bản thân. Các ứng viên thường có xu hướng làm tròn số năm kinh nghiệm của họ ví dụ như làm tròn thành 5 năm khi thực tế chỉ có 4 năm 3 tháng kinh nghiệm.
Vì vậy sau buổi phỏng vấn với một ứng viên tiềm năng và bạn vẫn cảm thấy họ chưa thành thật 100% thì hãy hỏi trực tiếp. Hãy để họ biết rằng bạn có ý định kiểm tra độ xác thực của hồ sơ bằng cách trao đổi với công ty cũ và bạn muốn biết rằng liệu việc đó có vấn đề gì không. Cho ứng viên một cơ hội để thành thật và chứng minh cho bạn thấy rằng khi xảy ra các vấn đề thì công ty có thể đặt niềm tin vào họ.
Nguồn: Entrepreneur
Dịch: Reeracoen
Comments